• Thứ 5, 28/03/2024
  • (GMT+7)

Tán sỏi túi mật bằng Laser - Phương pháp điều trị bảo tồn duy nhất hiện nay

Trong thời gian vừa qua bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã áp dụng thành công phương pháp tán sỏi túi mật bằng Laser Holium qua nội soi ống cứng; đây là phương pháp an toàn, hiệu quả và xâm lấn tối thiểu để điều trị sỏi túi mật đặc biệt những trường hợp viêm túi mật cấp do sỏi ở những bệnh nhân có bệnh lý toàn thân nặng không có chỉ định phẫu thuật.

1. Ca lâm sàng: bệnh nhân nam 81 tuổi vào viện vì đau bụng vùng mạn sườn phải và sốt, có dấu hiệu nhiễm trùng; siêu âm, chụp cắt lớp vi tính xác định bệnh nhân có tình trạng viêm túi mật cấp do sỏi, có chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Tuy nhiên bệnh nhân có nhiều bệnh lý toàn thân nặng kèm theo như đái tháo đường, tăng huyết áp và đặc biệt chức năng thông khí rối loạn rất nặng có nguy cơ tử vong rất cao khi gây mê và phẫu thuật. Sau khi hội chẩn các chuyên khoa Ngoại, Nội Gây mê hồi sức và Chẩn đoán hình ảnh, các bác sỹ đã lựa chọn phương pháp tán sỏi qua da để điều trị cho bệnh nhân vừa giải quyết được tình trạng viêm, lấy được sỏi và tránh được cuộc phẫu thuật và hậu phẫu nặng nề.

Bệnh nhân được trải qua hai thì: đặt dẫn lưu đường mật tạo đường hầm ở thì 1 và tán sỏi bằng Laser ở thì hai. Ngay sau thì thứ nhất khi dịch mật viêm được dẫn lưu ra ngoài thì tình trạng nhiễm trùng đã được giải quyết. Thì 2 được tiến hành sau thì thứ nhất 5 ngày dùng Laser holium qua nội soi ống cứng tán nhỏ sỏi và hút sỏi ra ngoài. Trong quá trình can thiệp cả 2 thì bệnh nhân không cần gân mê chỉ dùng một lượng giảm đau nhỏ và hoàn toàn tình táo trong và sau khi làm. Sau khi kiểm tra túi mật hết tình tràng viêm và hết sỏi bệnh nhân được ra viện sau 3 ngày

Hình 1: Chụp qua sonde dẫn lưu túi mật thấy 2 viên sỏi ngay cổ túi mật

Hình 2: sau tán bằng Laser holium chụp kiểm tra không thấy sỏi trong túi mật

Hình 3. Hình sỏi được bơm rửa ra ngoài qua cống tán sỏi

Click xem video clip

https://www.youtube.com/watch?v=xV0GADIZliE

2. Tổng quan về tán sỏi túi mật

Hiện nay điều trị sỏi túi mật thì phương pháp cắt túi mật nội soi là phương pháp được lựa chọn ưu tiên, tuy nhiên với những bệnh nhân mắc bệnh lý toàn thân nặng không thể phẫu thuật, những bệnh nhân sỏi túi mật có triệu chứng nhưng túi mật còn chức năng và có nhu cầu bảo tồn túi mật thì tán sỏi túi mật bằng Laser holium một phương pháp được lựa chọn ưu tiên. Ca tán sỏi túi mật đầu tiên trên thế giới được y văn ghi nhận vào nằm 1988 bởi M. J Kellett và được phát triển ở nhiều trung tâm trên thế giới với tỷ lệ loại bỏ hoàn toàn sỏi đến 95%, tỷ lệ tai biến<5%, điều trị thuốc chống tái phát sỏi trong vòng 3-6 tháng.

3. Lời khuyên cho cộng đồng

Sỏi túi mật đa số không có triệu chứng tuy nhiên khi số lượng sỏi nhiều hay kẹt cổ túi mật có thể gây viêm túi mật cấp, thấm mật phúc mạc hay viêm phúc mạc mật những bệnh cần được điều trị cấp cứu; sỏi túi mật nhỏ có thể rơi xuống ống mật chủ gây tắc mật cấp (đau mạn sườn phải, sốt, vàng da). Những bệnh nhân có sỏi túi mật cần được thăm khám định kì để đánh giá số lượng sỏi, chức năng và hình thái túi mật; những trường hợp đã có sỏi túi mật khi có triệu chứng đau hạ sườn phải cần phải đến cơ sở y tế để phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh các biến chứng do sỏi túi mật gây ra.

Tán sỏi túi mật được chỉ định trong các trường hợp:

Viêm túi mật do sỏi mà bệnh nhân có bệnh lý nặng không thể gây mê đươc.

Những bệnh nhân túi mật còn chức năng (khi thực hiện test chức năng túi mật) và có nhu cầu bảo tồn túi mật.

4. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. J Kellett et al (1988). Percutaneous cholecystolithotomy. British Medical Journal;296: 453-15.

2. Jose Manuel Fort, Fernado Azpiroz (1996). Bowel habit after Cholecystectomy: Physiological Changes and Clinical Implications. Gastroenterology;111:617 –622.

3. Constance Courtois(1996). Percutaneous Gallstone Removal:Long-term Follow-up. JVIR7:229-234.

4. European Association for the Study of the Liver (2016) EASL Clinical Practice Guidelines on the prevention, diagnosisand treatment of gallstones; Journal of Hepatology ; 146–181

5. Young Hwan Kim, Yong Joo Kim, Tae Beom Shin (2011) Fluoroscopy-Guided Percutaneous Gallstone RemovalUsing a 12-Fr Sheath in High-Risk Surgical Patients withAcute Cholecystitis; Korean J Radiol;12(2):210-215.

6. Yi-Ping Zou, Ji-Dong Du, Wei-Min Li (2007). Gallstone recurrence after successfulpercutaneous cholecystolithotomy:a 10-year follow-up of 439 cases; Hepatobiliary Pancreat Dis Int ; 2(6): 199-203.

(0)

Đăng nhập | Đăng ký

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading

Đơn vị hợp tác