• Thứ 7, 07/12/2024
  • (GMT+7)

Lịch sử phát triển

LỊCH SỬ

HỘI ĐIỆN QUANG VÀ Y HỌC HẠT NHÂN VIỆT NAM

Thời kỳ Pháp thuộc, chuyên ngành Điện quang chưa phát triển. Các bác sĩ chuyên khoa X quang chỉ có vài người: ở Hà Nội có bác sĩ Roberts ở Bệnh viện Đồn Thủy (Lanessan) là bệnh viện quân y của Pháp, và bác sĩ Nguyễn Đình Hoằng mở phòng X quang tư nhân. Ở Bệnh viện Đa khoa Huế, có bác sĩ Hoàng Sử đã học ba năm ở Paris (Pháp), nhận bằng thạc sĩ chuyên khoa Điện quang và Điện trị liệu (Diplôme d’Electro Radiologie) năm 1939. Hồi đó chưa có Hội Điện quang, do số bác sĩ và kỹ thuật viên X quang còn quá ít).

Sau hiệp định Genève năm 1954, chuyên ngành Điện quang ở miền Bắc Việt Nam đã phát triển hơn, nhờ trang thiết bị viện trợ và mua của các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, CHDC Đức, Hung-ga-ri, Cuba, Tiệp Khắc. Nhiều bác sĩ Việt Nam đã được cử đi đào tạo về chuyên ngành X quang, Vật lý trị liệu, Phóng xạ y học ở các nước XHCN, nhất là CHDC Đức và Hung-ga-ri.

Hồi đó bác sĩ Hoàng Sử là Trưởng Bộ môn Y Vật lý – Toán – Điện quang của Trường Đại học Y khoa Hà Nội, kiêm Trưởng Khoa Điện quang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Phó Giám đốc Viện Radium (nay là Bệnh viện K). Là người lâu năm nhất trong ngành, năm 1961 Bs Hoàng Sử đứng ra thành lập Hội Điện quang – Lý liệu Việt Nam, nằm trong Tổng Hội Y Dược học Việt Nam. Hội thu hút các bác sĩ, kỹ sư, kỹ thuật viên trung cấp của ngành X quang và Vật lý trị liệu. Bác sĩ Hoàng Sử được bầu làm Chủ tịch Hội và bác sĩ Vũ Long làm Tổng thư ký.

Từ năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, Hội thu hút các các hội viên ở miền Nam. Ngoài ra, anh em công tác trong ngành Phóng xạ Y học cũng xin gia nhập Hội. Do đó, đến Đại hội năm 1978 Hội xin đổi tên là Hội X quang – Lý liệu – Phóng xạ Y học. Thời gian này bác sĩ Hoàng Sử đã nghỉ hưu và ốm yếu, nên Hội đã bầu bác sĩ Đặng Văn Ấn (Trưởng khoa Điện quang Bệnh viện Bạch Mai) là Chủ tịch Hội, Phó Chủ tịch Hội là bác sĩ Đặng Chu Kỷ (Đại diện cho ngành Lý liệu) và bác sĩ Nguyễn Công Thụy (Đại diện cho ngành Phóng xạ), bác sĩ Vũ Long và bác sĩ Hoàng Đức Kiệt làm Tổng thư ký Hội.

Đến Đại hội 1982, PGS Đặng Văn Ấn vẫn được bầu là Chủ tịch Hội, PGS Đặng Chu Kỷ và PGS Nguyễn Công Thụy vẫn là Phó Chủ tịch, PGS Vũ Long và PGS.TS Hoàng Đức Kiệt là Tổng thư ký.

Sau năm 1990, các hội viên thuộc ngành Vật lý trị liệu xin tách khỏi Hội Điện quang để gia nhập Hội Phục hồi chức năng. Từ năm 1990 đến 2010 ngành Điện quang phát triển vượt bực nhờ có trang thiết bị mới và trở thành ngành Chẩn đoán hình ảnh gồm X quang, siêu âm, cắt lớp vi tính (CT), hình cộng hưởng từ (MRI), chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Đồng thời hình thành một số chuyên khoa sâu như điện quang tim mạch, thần kinh, điện quang can thiệp – Ngành Phóng xạ Y học cũng phát triển mạnh nhờ các thiết bị mới (Như xạ hình phẳng, SPECT, SPECT-CT và PET-CT) và đổi tên thành chuyên ngành Y học hạt nhân.

Do tình hình thay đổi như trên, nên tại Đại hội năm 1995 Hội xin đổi tên là Hội Điện quang và Y học hạt nhân (Điện quang dịch từ Radiology gồm cả X quang, siêu âm, CT, MRI).

GS Hoàng Kỷ (Trưởng Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh Trường Đại học Y khoa Hà Nội kiêm Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai) được bầu là Chủ tịch Hội, Phó Chủ tịch Hội là PGS Vũ Long (đại diện ngành X quang) và PGS.TSKH Phan Sỹ An (đại diện ngành Y học hạt nhân). Tổng thư ký của Hội là PGS.TS Hoàng Đức Kiệt (Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Hữu Nghị và giảng viên kiêm chức của trường Đại học Y khoa Hà Nội.

Đến năm 1999, GS.TS Hoàng Đức Kiệt được bầu là Chủ tịch Hội và PGS.TS Phạm Minh Thông là Tổng thư ký – Phó Chủ tịch vẫn là PGS Vũ Long, PGS.TSKH Phan Sỹ An, bầu thêm Phó Chủ tịch là PGS.TS Phạm Ngọc Hoa (đại diện ngành CĐHA TP Hồ Chí Minh) và PGS.TS Nguyễn Duy Huề (Trưởng Bộ môn CĐHA trường Đại học Y khoa Hà Nội), GS Hoàng Kỷ được tặng danh hiệu Hội viên danh dự. Năm 2004, Đại hội lần thứ V của Hội, số cán bộ chủ chốt của Hội không có gì thay đổi. Năm 2008, Đại hội lần thứ VI của Hội đã cử bổ xung PGS.TS Phạm Minh Thông là Phó Chủ tịch Hội kiêm chức Tổng thư ký. Năm 2010, tại kỳ họp ở Hải phòng, Ban Chấp hành Hội đã nhất trí cử thêm các Phó Tổng thư ký ở ba miền là TS Vũ Đăng Lưu (Hà Nội), PGS.TS Lê Trọng Khoan (Huế) và Thạc sĩ Võ Tấn Đức (TP HCM).

Năm 2008, Đại hội lần thứ VI của Hội họp tại Hà Nội đã bầu ra Ban chấp hành khóa VI của Hội gồm 58 ủy viên, GS.TS Hoàng Đức Kiệt tiếp tục giữ chức Chủ tịch, các Phó Chủ tịch là PGS.TS Phạm Minh Thông - Trưởng khoa CĐHA Bệnh viện Bạch Mai giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội, PGS Vũ Long (chuyên ngành CĐHA), PGS.TS Nguyễn Duy Huề (Chủ nhiệm bộ môn CĐHA Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa CĐHA Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức), PGS.TS Phạm Ngọc Hoa (Trưởng khoa CĐHA Bệnh viện Chợ Rẫy), GS.TS Phan Sỹ An (chuyên ngành Y học hạt nhân).

Năm 2013, Đại hội lần thứ VII của Hội họp tại Hà Nội đã bầu ra Ban chấp hành khóa VII của Hội gồm 71 ủy viên, GS.TS Phạm Minh Thông làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch là GS.TS Mai Trọng Khoa – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (thay GS.TSKH Phan Sỹ An), PGS.TS Nguyễn Duy Huề (Chủ nhiệm bộ môn CĐHA Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa CĐHA Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức), PGS.TS Phạm Ngọc Hoa (Trưởng khoa CĐHA Bệnh viện Chợ Rẫy), PGS.TS Hoàng Minh Lợi – Phó Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y Khoa Huế, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng khoa CĐHA Bệnh viện Hữu nghị.

Hiện nay Hội Điện quang và Y học hạt nhân có trên 1000 hội viên và bao gồm 15 hội thành viên là các Hội Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Bình Định cụ thể:

  1. Hội Chẩn đoán hình ảnh khu vực thành phố Hồ Chí Minh thành lập tháng 4 năm 1998 hiện là Hội địa phương lớn nhất với gần 500 hội viên.
  2. Chi Hội Điện quang - Y học hạt nhân Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập tháng 7 năm 1997.
  3. Chi hội chẩn đoán hình ảnh Hải Phòng thành lập tháng 7 năm 1998.
  4. Chi hội chẩn đoán hình ảnh Thừa Thiên - Huế thành lập tháng 8 năm 1998.
  5. Chi hội chẩn đoán hình ảnh Thanh Hoá thành lập năm 1999.
  6. Chi hội chẩn đoán hình ảnh Bình Định thành lập tháng 4 năm 2000.
  7. Chi hội Điện quang can thiệp Việt Nam thành lập tháng 7 năm 2010.
  8. Chi Hội Kỹ thuật Điện quang và Y học hạt nhân khu vực phái Bắc thành lập ngày 25/09/2012
  9. Chi hội Kỹ thuật Điện quang và Y học hạt Việt Nam thành lập tháng 8-2013.
  10. Chi hội Siêu âm Việt Nam thành lập tháng 8-2016.
  11. Chi Hội Hình ảnh Tim mạch Việt Nam thành lập ngày 19/08/2022
  12. Chi Hội Điện quang và Y học hạt nhân Thái Nguyên thành lập ngày 20/10/2022
  13. Chi Hội Điện quang Cơ Xương Khớp Việt Nam thành lập ngày 19/07/2023
  14. Chi Hội Điện quang Ngực Việt Nam thành lập ngày 19/07/2023
  15. Chi Hội Hình ảnh học Ung thư Việt Nam thành lập ngày 19/07/2023

Trong quá trình hoạt động, Hội đã tổ chức Hội nghị khoa học hàng năm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố khác như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha trang. Mỗi lần Đại hội đều có báo cáo khoa học của Hội viên trong nước và chuyên viên nước ngoài như Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Singapore, Nhật. Hội đã tổ chức hai Hội nghị Việt Pháp về Chẩn đoán hình ảnh kết hợp với Đại hội năm 1999 và 2004 tại Hà nội, trong đó nhiều giáo sư Pháp đã trình bày báo cáo khoa học tại Hà Nội và cả thành phố Hồ Chí Minh và Huế . Đại hội Hiệp hội Điện quang Đông Nam Á họp tại Hà Nội tháng 9 năm 2008 (AAR Meeting).Tháng 4 năm 2011, Hội đã tổ chức Hội nghị Khoa học Pháp-Việt lần thứ III tại Huế. Ngoài các Hội nghị khoa học hàng năm nói trên, Hội còn tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học ở nhiều địa phương như Thanh hoá, Qui nhơn, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có kết hợp với các Giáo sư, Bác sĩ nước ngoài do Hội hoặc do các Hãng thiết bị chẩn đoán hình ảnh mời.

Về xuất bản báo chí: sau khi thành lập Hội điện quang năm 1961, Hội đã xuất bản được 4 tập Nội san Điện quang của hai năm 1962 và 1963. Nội san của Hội Điện quang - Lý liệu - Phóng xạ y học được tái bản năm 1982 cho đến 1984 mỗi năm 2 số. Do điều kiện ấn loát, trước năm 1990 chỉ in chữ, còn sau năm này in cả chữ và hình ảnh. Từ năm 2010 đến nay Hội đã ra xuất bản Tạp chí Điện quang Việt nam, mỗi năm ra bốn số. Ngoài ra Hội cũng đề nghị Tạp chí Y học Việt Nam ra một số tập chuyên đề về chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân, nhân dịp các hội nghị khoa học của ngành.

Về quan hệ đối ngoại, từ năm 1960 đến 1980, Hội và ngành Điện quang có quan hệ chặt chẽ với CHDC Đức, qua các chuyên gia Đức đến làm việc tại Bệnh viện Việt Đức (Như GS F.Held) và qua các bác sĩ điện quang Việt Nam sang học tập ở CHDC Đức, bác sĩ Hoàng Sử, nguyên Chủ tịch Hội là Hội viên danh dự của Hội Điện quang Đức và là Ủy viên Ban biên tập báo Radiologie Diagnostica ở Berlin.

Hiện nay Hội Điện quang - Y học hạt nhân Việt Nam là thành viên của Hội Điện quang Châu Á - Châu Đại Dương (AOSR) và Hiệp hội Điện quang Đông Nam Á (AAR).

Ban chấp hành Hội đã cử một số uỷ viên tham gia tổ chức giảng dạy điện quang nói tiếng Pháp (GREF), trong đó PGS Vũ Long là Phó Chủ tịch và GS Hoàng Đức Kiệt là uỷ viên Ban chấp hành tổ chức GREF.

Sau năm 1990, Hội mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực, là Hội thành viên của Hiệp Hội Điện quang Châu Á (AAR), Hội Điện quang Châu Á và Châu Đại Dương (AOSR), Hội và khoa CĐHA Bệnh viện Bạch Mai đã liên hệ với GS G.A.Gooding đứng đầu tổ chức Radiology Outreach Foundation (ROF) ở San Francisco (Mỹ): ROF đã gửi giúp một số phương tiện giảng dạy như sách, báo, băng, đĩa chuyên ngành CĐHA. ROF đã cử một số Giáo sư sang giảng dạy một tuần và đã nhận hai bác sĩ điện quang sang Mỹ học ngắn hạn.

Đặc biệt năm 1994, Hội cùng hai Bộ môn CĐHA của Trường Đại học Y Hà Nội và Trung tâm đào tạo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch) đã đặt mối quan hệ lâu dài với Hội Điện quang Pháp (qua Tổng thư ký G.Frija) và Tổ chức GREF (Groupe des Radiologistes Enseignants d’Expression Francaise) qua các GS P.Devred và M.Panuel. Hàng năm phía Pháp đã cử giáo sư điện quang sang Việt Nam giảng dạy bằng tiếng Pháp và thi tuyển chọn bác sĩ điện quang trẻ Việt Nam cấp học bổng sang Pháp một năm học tập và làm chức năng của nội trú các bệnh viện (FFI). Từ năm 1994 đến 2009 đã có 114 bác sĩ CĐHA được theo học chương trình này. Ngoài hai chương trình nói trên, một số bác sĩ CĐHA và y học hạt nhân đã được bổ túc ngắn hạn ở Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan. Một số khác đi thực tập sinh một năm ở Pháp (có học bổng riêng).

Trong hai Đại hội năm 1999 và 2004, Tổng Hội Y học Việt Nam và Hội Điện quang đã trao bằng Hội viên danh dự cho các giáo sư nước ngoài đã có công giúp đỡ Hội và chuyên ngành CĐHA đào tạo các cán bộ chuyên khoa như: Charles A.Gooding (Mỹ), Guy Frija, Philippe Devred, Michel Panuel (Pháp), Lenny Tan (Singapore), Giáo sư Hoàng Kỷ đã được tổ chức GREF tặng bằng Hội viên danh dự của GREF. GS.TS Hoàng Đức Kiệt đã được Hội Điện quang Pháp tặng bằng và huy hiệu Hội viên danh dự của Hội Điện quang Pháp (SFR).

Đối với chuyên ngành sâu trong khu vực và trên thế giới: Hội đã cử một số Uỷ viên Ban chấp hành tham gia Hội CĐHA Tim mạch châu Á (ASCI) là GS.TS Phạm Minh Thông, PGS.TS Hoàng Minh Lợi. Hội Lồng ngực châu Á cũng đang vận động thành lập (ACTI) Hội cũng là một thành viên.

Kể từ năm 2014, Hội Điện quang Hàn quốc và Hội Điện quang và YHHN Việt Nam đã có những hoạt động kết hợp, trao đổi thực tập sinh, giảng viên. Tháng 6 năm 2015, hai Hội đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị Niệu dục Việt Hàn (Friendship Symposium). Vừa qua, tháng 5 năm 2017, hai Hội đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị Hình ảnh Thần kinh Hữu nghị Việt Hàn (KSR-VSRNM Friendship Symposium on Neuroradiology).

Mới đây là Hội nghị điện quang Thần kinh châu Á châu Đại dương (AOCNR) đang vận động thành lập Hội. Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam đã giới thiệu 3 uỷ viên tham dự là GS.TS Phạm Minh Thông, PGS.TS Phạm Ngọc Hoa, PGS.TS Hoàng Minh Lợi.

Hội đã trao tặng Danh hiệu Hội viên Danh dự của Hội cho 5 GS nước ngoài vì đã có công đóng góp cho sự phát triển của chuyên ngành trong nước là: GS Charles A.Gooding (Mỹ), GS Philippe Đevre (Pháp), GS Lenny Tan (Singapore), GS Guy Frija (Pháp) và GS Michel Panuel (Pháp).

Về mặt đào tạo cán bộ chuyên khoa, Bộ môn CĐHA của các Trường Đại học Y Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh đào tạo theo hai hệ:

1/ Hệ của Bộ Y tế gồm Bác sĩ chuyên khoa định hướng (học 1 năm sau đại học), chuyên khoa cấp I (2 năm sau đại học) và chuyên khoa cấp II (2 năm) giành cho bác sĩ chuyên khoa cấp I đã qua thời gian làm việc chuyên khoa 5 năm, có làm luận văn tốt nghiệp chuyên khoa II. Ngoài ra còn đào tạo bác sĩ nội trú các bệnh viện: thi tuyển ngay sau khi tốt nghiệp đại học và tiếp tục ở lại Trường học trong 3 năm, có làm luận văn tốt nghiệp. Trường Đại học Y Hà Nội bắt đầu đào tạo nội trú từ năm 1978 đến năm 2010 đã có 27 khóa với 43 bác sĩ tốt nghiệp nội trú. Trường Đại học Y TP Hồ Chí Minh và Huế cũng đào tạo nội trú từ năm 2006 đến nay đã tới khoá 6.

2/ Hệ sau đại học của Bộ Giáo dục Đào tạo gồm đào tạo Thạc sĩ Y khoa (2 năm) và Tiến sĩ chuyên ngành (3 năm) theo quy chế của Bộ Giáo dục Đào tạo.

Về khen thưởng: Khoa CĐHA, Trung tâm YHHN& Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai đã được tặng Huân chương Lao động hạng ba – Cá nhân GS Hoàng Kỷ, GS.TS Hoàng Đức Kiệt, GS. TS Mai Trọng Khoa cũng đã được tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Hội Điện quang và YHHN VN

Đơn vị hợp tác